TÍCH GIANG - VÙNG HOA, CÂY CẢNH

04/09/2021 20:44

TÍCH GIANG - VÙNG HOA, CÂY CẢNH

=============

Phong trào trồng hoa, cây cảnh xã Tích Giang được kế thừa từ truyền thống cần cù, lao động, sáng tạo của các thế hệ cha ông đi trước. Năm 1990 cây quýt Na Ven (quýt Tích Giang) được người dân cả nước biết đến với vị thơm ngọt mang đặc trưng của vùng quê xứ Đoài, người lai ghép trực tiếp ra giống quýt này là cụ Đỗ Xuân và chính cụ đã nhân ươm giống cho người dân Tích Giang trồng và tại thời điểm này nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ từ cây quýt. Hình ảnh đó vẫn còn được lưu lại qua bức hình chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cụ Đỗ Xuân với cây quýt muộn có trên 1000 quả tại vườn nhà nhân dịp Đại tướng về thăm phong trào trồng cây ăn quả xã Tích Giang. Song do thời gian cũng như sự thoái hóa giống và việc tiếp cận khoa học kỹ thuật thời kỳ đó còn hạn chế nên cây quýt đã không còn tồn tại.

Tại thời điểm đó chính cụ Đỗ Xuân cùng một số các cụ khác như cụ Nguyễn Văn Ước, cụ Nguyễn Tiến Cát là người khởi xướng ra phong trào trồng cây cảnh. Ban đầu chỉ có một vài ba hộ đưa những cây con giống vào chậu cắt tỉa, tạo thế, tạo dáng bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, đến năm 1995 - 2000 rất nhiều hộ trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và đến năm 2005 phong trào trồng cây cảnh nở rộ, nhà nhà trồng cây cảnh, người người trồng cây cảnh, trong đó Hội sinh vật cảnh đóng vai trò chủ đạo, định hướng, tập huấn, hướng dẫn cho hội viên của mình phát triển. Tại thời điểm 2005 - 2010 hội viên Hội sinh vật cảnh tạo ra rất nhiều cây có giá trị hàng trăm triệu đồng với các chủng loại như cây xanh, cây xi, cây đa, cây tùng và có nhiều hộ làm giàu từ phong trào này. Tuy nhiên đến năm 2010 - 2012 thú chơi cây cảnh có phần trầm lắng nên phong trào trồng cây cảnh cũng phần nào giảm đi và đây cũng chính là thời điểm khó khăn đối với các hộ trồng cây cảnh. Thời điểm này Hội sinh vật cảnh xác định tiếp tục giữ vững phong trào để không bị mai một và mời các nghệ nhân của Trung ương hội về tập huấn tạo dáng, thế cho cây và hiện nay có rất nhiều hộ có cây giá trị nghệ thuật cao như hộ ông Hà Đạt Uy, hộ cụ Nguyễn Tiến Cát, hộ ông Nguyễn Đức Đào, hộ ông Nguyễn Huy Thủy và rất nhiều hộ khác nữa.

Sự cần cù lao động, sáng tạo của người dân Tích Giang lại được nhân lên theo năm tháng, song song bên cạnh đó phong trào trồng hoa của xã Tích Giang lại được ươm mầm, từ ban đầu chỉ có hộ ông Kiều Bình Thanh, hộ ông Nguyễn Tiến Quảng - thôn 1 và một số hộ khác thì cho đến nay phong trào trồng hoa trên địa bàn xã Tích Giang phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế. Theo thống kê trong đến cuối năm 2020, trên địa bàn xã Tích Giang diện tích chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh là 37 ha, trong số đó có rất nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên như hộ ông Kiều Bình Huấn, hộ ông Hà Văn Chu, hộ ông Hoàng Văn Trào, hộ ông Đỗ Hồng Tiến, hộ ông Khuất Văn Đức, hộ ông Nguyễn Xuân Việt... Bên cạnh đó các hộ làm cây cảnh tiếp tục duy trì và phát triển tạo ra nhiều cây có giá trị nghệ thuật cao như cây xanh, xi, đa, đề, cây tùng... Mỗi tác phẩm là kết quả của sự cần cù, sáng tạo, bằng đôi tay tài hoa và niềm đam mê của mình, các nghệ nhân đã tạo nên hình hài, vóc dáng “đứa con tinh thần” trở nên sống động và có hồn hơn. Các sản phẩm sinh vật cảnh như: Bonsai, tiểu cảnh, non bộ, hàng gỗ thủ công mỹ nghệ, đá cảnh... với nhiều kiểu dáng lạ mắt, giàu tính nghệ thuật, vừa mang tính dân tộc sâu sắc vừa hiện đại.

Bên cạnh đó nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã thay đổi hướng đi chuyển sang nhân ươm cây giống để cung cấp cho người nông dân trong khu vực với các loại cây bưởi, đu đủ, cam, quýt, ổi, bưởi và nhiều loại cây giống khác như hộ ông Nguyễn Trí Thanh - thôn 4, hộ ông Nguyễn Đức Thực - thôn 2 ... cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt một số hộ đã nắm bắt được thị trường chuyển sang trồng cây công trình để đưa cây đi khắp mọi miền tổ quốc, ban đầu chỉ đăng ký là hộ sản xuất kinh doanh, sau này thành lập công ty và 5 năm trở lại đây cho doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm như công ty Ngọc Trang, do ông Khuất Văn Hồng - thôn 1 làm Giám đốc. Đến thời điểm này trên địa bàn xã đã có nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng với trên 10 ha với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, các loại cây ăn quả được trồng phổ biến như ổi, bưởi… và cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Khuất Văn Tuất, hộ ông Hà Đạt Cẩn, hộ ông Nguyễn Văn Hạnh… và rất nhiều hộ khác nữa. Đây chính là hướng đi sáng tạo, đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong giai đoạn hiện nay. Nông nghiệp trên địa bàn xã đã dần khẳng định và định hướng một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung cho năng xuất cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm trở lại đây mà Đảng ủy, UBND xã Tích Giang xác định đó là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị định 62, mà trọng tâm là thực hiện Đề án chuyên canh hoa, cây cảnh với diện tích 86,5 ha tại các xứ đồng Nga, Veo, Dẻ, Vông, Đòi Noi và một số vùng chuyên canh khác để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, tạo điều kiện, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế bền vững.

Về Tích Giang hôm nay, chạy dọc từ cổng làng Tường Phiêu, QL 32 vào làng, con đường đất xưa vắng vẻ giờ đây lúc nào cũng đông như trẩy hội, tấp nập người bán, người mua, để chọn cho mình những chậu hoa đẹp nhất trong các vườn hoa muôn sắc màu. Diện mạo nông thôn đã đổi khác hoàn toàn, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều; người dân say xưa trên những thửa ruộng của mình. Trong cái rét giá lạnh, những bông hoa, chậu hoa càng khoe thắm sắc màu, những chậu cảnh bon sai đang đâm chồi những lộc non, những vườn ổi, bưởi đang mùa thu hoạch, đó chính là thành quả lao động miệt mài, sáng tạo không biết mệt mỏi bằng khối óc, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình để hôm nay Tích Giang có thể tự hào là vùng hoa, cây cảnh. Trong tương lai gần Tích Giang sẽ là trung tâm thương mại chợ hoa, cây cảnh, cây giống, cây ăn quả và là điểm đến cho khách thập phương đến thăm quan, học tập./.

Thêm bình luận :