Về tên gọi huyện Phúc Thọ và địa giới hành chính
======
Phúc Thọ là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Đáy và sông Tích, tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử - cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại 202 năm.
Thời Hùng Vương, Phúc Thọ nằm trong địa phận bộ Phúc Lộc – một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Thời Bắc thuộc, đời Đông Hán, địa danh huyện Phúc Thọ thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ, bộ Giao Châu; đời Ngô thuộc huyện Mê Linh quận Tân Hưng; đời Tấn thuộc huyện Mê Linh quận Tân Xương; đời Tuỳ thuộc huyện Tân Xương, quận Giao Chỉ... Đời nhà Trần thuộc lộ Quốc Oai. Đời vua Quang Thuận (1460 – 1469), huyện có tên là Phúc Lộc, thuộc phủ Quốc Oai, thừa tuyên Sơn Tây. Đời vua Cảnh Hưng thứ 3 (1742), chuyển về phủ Quảng Oai. Đến triều Tây Sơn (1788 – 1802) đổi tên là Phú Lộc. Đầu đời Gia Long (1802 – 1819) triều Nguyễn đổi lại là Phúc Lộc thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi tên là Phúc Thọ và giữ nguyên tên gọi đó đến ngày nay. Sau năm 1945, Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định 103-NQ-TVQH về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây. Từ đó, huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ tư của Quốc Hội khóa VI đã ra Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình; Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, gồm 17 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú.
Tháng 12/1978, Phúc Thọ sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, sáp nhập thêm 3 xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp của huyện Quốc Oai vào huyện Phúc Thọ.
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 101-HĐBT về việc phần vạch địa giới thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, tách các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc của huyện Ba Vì để sáp nhập vào huyện Phúc Thọ quản lý.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị quyết tỉnh Hà Sơn Bình được chia thành hai tỉnh, lấy tên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Huyện Phúc Thọ thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Tây.
Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 107-CP về việc thành lập thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (thị trấn huyện lỵ) trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của hai xã Phúc Hòa và Thọ Lộc.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo Nghị quyết, huyện Phúc Thọ trở thành huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Lúc đó, huyện gồm thị trấn Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú, Tam Hiệp, Liên Hiệp, Hiệp Thuận, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc.
Thực hiện Nghị quyết số 895/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội, ngày 01/3/2020, hai xã Xuân Phú và Cẩm Đình được sáp nhập thành xã Xuân Đình và hai xã Sen Chiểu, Phương Độ được sáp nhập thành xã Sen Phương. Như vậy, cho đến nay, toàn huyện có 01 thị trấn và 20 xã.
Ảnh: Bản đồ địa giới hành chính huyện Phúc Thọ trước năm 2020
Thêm bình luận :